Site banner

Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ bảy, 10 Tháng 5, 2025 - 18:01

Ý nghĩa ngày Thương binh - Liệt sĩ

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Núp sau quân Anh - Ấn, chúng trắng trợn gây nên những vụ xung đột vũ trang ở nhiều nơi thuộc Nam Bộ, Trung Bộ. Tiếp đó, khi vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ, thực dân Pháp gây ra những vụ bắn phá giết hại dân ta ở Hải Phòng, Hà Nội,… mở đường cho việc xâm lược cả nước ta.

Kiên quyết bảo vệ thành quả của cách mạng, giữ gìn độc lập, tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, một số chiến sĩ, đồng bào ta bị thương và hy sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình, góp phần chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh em thương binh, bệnh binh một cách tận tình và chu đáo.

Đầu năm 1946 “Hội giúp binh sĩ tử nạn” sau đổi tên là “Hội giúp binh sĩ bị thương” được thành lập ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên) ở Hà Nội và một số nơi khác. Hồ Chủ tịch là Hội trưởng danh dự của hội.

Ngày 28/5/1946, “Hội giúp binh sĩ bị thuơng” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại nhà hát thành phố Hà Nội và Chủ tịch đã đến dự. Ngày 07/11/1946, cũng tại nhà hát thành phố Hà Nội, buổi quyên góp ủng hộ quần áo, giầy mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận đã được tổ chức, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”; tại đây Hồ Chủ tịch cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sĩ.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương, hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 6/1947, Bác Hồ đã chỉ thị chọn một ngày trong năm là ngày Thương binh. Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích họ hàng ta bị đe dọa, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những người chiến sĩ mà nay một số thành ra bị thương. Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

          Thực hiện Chỉ thị của Bác Hồ, Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ (Bắc Thái) nay là tỉnh Thái Nguyên, để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ. Hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày thương binh toàn quốc. Vào lúc 18 giờ ngày 27/7/1947 tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, có khoảng 300 đại biểu gồm cán bộ, bộ đội và nhân dân dự họp mít tinh để nghe công bố Bức thư đầu tiên của Bác Hồ gửi Ban tổ chức Ngày Thương binh và ghi nhận sự ra đời của Ngày Thương binh toàn quốc. Sau thắng lợi Điện Biên Phủ tháng 7/1954, Đảng và Nhà nước ta tập trung giải quyết nhiều vấn đề về liệt sĩ, công tác thương binh. Với ý nghĩa đó, từ năm 1955 Ngày Thương binh, được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ - ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.

          Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay là 76 năm, từng địa phương tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể để tỏ lòng tưởng nhớ và ghi ơn các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh đã không tiếc máu xương, hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người công dân trong huyện, cùng với cả nước ra sức phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng cấp, đơn vị, địa phương với tinh thần“Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển” góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023. Đặc biệt là tập trung thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho các hộ chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy