Site banner

Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ bảy, 10 Tháng 5, 2025 - 14:34

Giới thiệu chung về xã Phú Lễ

Phú Lễ là 1 xã của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nước Việt Nam.
Xã Phú Lễ có tổng số diện tích theo km2 10,33 km²
Tổng số dân vào năm 1999 là 7320 người
Mật độ dân số đạt 709 người/km²
Phú Lễ giáp với các xã Phú Ngãi, An Bình Tây, Vĩnh Hoà, Mỹ Nhơn, Phước Tuy và thị trấn Ba Tri. Toàn xã có tổng số diện tích theo km2 là đất nông nghiệp khoảng 480 ha dùng để trồng lúa. Hệ thống các kênh đào như: Kênh Tự Chảy, kênh 9A, kênh 9B,…góp phần phục vụ tưới tiêu đồng ruộng và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.Hiện tại, xã có khoảng 8.000 dân với 1.730 hộ.

Phú Lễ là xã nổi tiếng ở Bến Tre do có đình Phú Lễ, nhà cổ, hát sắc bùa, rượu Phú Lễ. Không chỉ thế xã còn là nơi nổi tiếng về hiếu học và có nhiều người đỗ đạt trong các kỳ thi Nho học, nhiều trí thức nổi tiếng thời Pháp thuộc cũng như sau này.

Hiếu học trở thành một truyền thống của xã Phú Lễ – dù xã không phải là nơi có nhiều người đỗ đạt nhất của Bến Tre. Truyền thống ấy được vun đắp từ chính sách khuyến học của làng từ xa xưa và hiện đang hoạt động mạnh mẽ hiện nay.

Đôi nét về làng Phú Lễ

Nói đến lịch sử, văn hóa tỉnh Bến Tre - mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa bậc nhất ở miền Tây Nam Bộ, người thường nghĩ ngay đến huyện Ba Tri. Trong huyện, thì làng là Phú Lễ là địa danh nổi bật nhất. Làng Phú Lễ nổi tiếng gần xa bởi ngôi đình cổ kính, có giá trị cao về phương diện kiến trúc, nghệ thuật; hát sắc bùa, một hình thức diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ gốc gác từ miền Trung, từng được lưu truyền phổ biến trong sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Rượu Phú Lễ danh tiếng lan xa vì hương vị nồng nàn, quyến rũ và thơm lừng của nó. Không chỉ lưu giữ những di sản văn hóa truyền thống của tiền nhân, Phú Lễ còn là một làng quê hiếu học của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Cho nên, giá trị tốt đẹp này cần phải được tìm hiểu và giới thiệu rộng rãi.

Làng Phú Lễ thời Nguyễn thuộc tổng Bảo Trị, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long. Tiếp đó, quyển Chuyên khảo về tỉnh Bến Tre của Hội Nghiên cứu Đông Dương, xuất bản năm 1903, ghi nhận Phú Lễ là 1 trong 8 ngôi làng của tổng Bảo Trị, tỉnh Bến Tre. Dân số của làng gồm 1.699 người1. Hiện nay, Phú Lễ là xã thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh đi theo Quốc lộ 1 đến TP. Mỹ Tho, rồi theo Quốc lộ 60 đến thành phố Bến Tre. Từ thành phố Bến Tre đi theo Tỉnh lộ 887 khoảng 30 km đến thị trấn Ba Tri. Từ thị trấn Ba Tri đi theo Hương lộ 14 chừng vài cây số thì đến xã Phú Lễ.

Địa chỉ văn hóa nổi tiếng nhất ở Phú Lễ là đình Phú Lễ. Đình tọa lạc tại ấp Phú Khương, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ lợp lá, đến năm 1851 thời Tự Đức thì được sắc phong. Đình gồm 10 gian: 6 gian chính và 4 gian phụ bố trí theo lối chữ “Đinh”. Đình chính gồm võ ca, viên đường, thính đường, chánh đường và hậu đường. Cột đình bằng gỗ lim, đường kính 40cm, mái lợp ngói vảy cá. Đình Phú Lễ là đình có quy mô lớn và đẹp vào bậc nhất của tỉnh Bến Tre. Khuôn viên rộng lớn, cây cổ thụ thâm u, qua chiến tranh ác liệt thế nhưng đồ thờ, hương án, cuốn thư, bình phong, hoành phi, câu đối gần như còn nguyên vẹn. Ngày 7 tháng 1 năm 1993, đình Phú Lễ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật.

Truyền thống hiếu học của làng Phú Lễ

Các làng quê Bắc bộ, với truyền thống hiếu học lâu đời, đã hình thành nên các dòng họ hiếu học nổi tiếng, những vị tiến sĩ lưu danh tại Văn miếu, những quy định thúc đẩy việc khuyến học khuyến tài trong hương ước được giữ gìn từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, thật khó có thể tìm thấy điều này ở các ngôi làng Nam Bộ bởi người dân phải đầu tư công sức quá nhiều vào công cuộc khẩn hoang và xây dựng, phát triển để ổn định cuộc sống của họ. Vì thế, cho đến nay, ở nhiều ngôi làng tại Nam Bộ, cũng chưa tìm thấy những dòng họ hiếu học tiêu biểu, những vị tiến sĩ đỗ đạt nổi danh, những chính sách khuyến học khuyến tài được cộng đồng đặt ra trong giai đoạn triều Nguyễn như ở Bắc bộ.

Trong bối cảnh đó thì việc học hành ở Bến Tre nói chung, làng Phú Lễ đã khá quy củ, trong vùng có khá nhiều người đỗ đạt trong các kỳ thi thời phong kiến. Theo Quốc triều hương khoa lục toàn bộ Nam kỳ lục tỉnh có 253 vị thi đậu các kỳ thi Hương dưới các triều vua nhà Nguyễn. Trong đó, địa bàn Bến Tre ngày nay có 31 vị, riêng Phú Lễ có 3 vị đậu cử nhân. Số lượng như thế là rất ít so với miền Bắc, nhưng nếu so với Nam bộ, đơn cử địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay, chỉ có 9 người đậu cử nhân triều Nguyễn, thì mới thấy con số của Bến Tre, Phú Lễ là rất ấn tượng.

 

Làng nghề đan lát xã Phú lễ huyện Ba Tri

 

Rượu Phú Lễ là đặc sản xã Phú Lễ huyện Ba tri

 

Hát sắc bùa xã Phú lễ huyện Ba Tri