Site banner

Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ bảy, 10 Tháng 5, 2025 - 19:08

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH NUÔI SÂU CANXI CỦA HỘI NÔNG DÂN XÃ PHÚ LỄ

Trong năm qua, Hội Nông dân xã Phú Lễ tổ chức nhiều mô hình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ môi trường, điển hình là mô hình Nuôi sâu canxi hay còn gọi là ruồi lính đen được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương, anh Phạm Văn An ở ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, hội viên hội nông dân của xã đã mạnh dạn thử nghiệm nuôi và thành công với mô hình này.

Trước đây, anh nuôi gà, vịt để phát triển kinh tế gia đình. Để tạo nguồn thức ăn chất lượng cho đàn gia cầm, sau thời gian học hỏi, tích lũy kiến thức, năm 2021 anh tiến hành nuôi thử nghiệm sâu canxi với số lượng ít. Sau thời gian nuôi có hiệu quả, năm 2024, anh được Ban Quản lý Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam của Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 0,5 gram trứng sâu canxi và vật tư xây dựng bể cũng như hệ thống hoàn chỉnh cho việc nuôi sâu canxi. Bể có diện tích 8m2, nền tráng bê tông, xung quanh xây gạch ống, cao 0,36m so với mặt nền, trang bị mùng lưới vây kín để hạn chế bị thất thoát.

Sâu canxi là sinh vật không gây hại, không mang mầm bệnh truyền nhiễm, thức ăn của chúng chủ yếu là tận dụng phế phẩm trong sinh hoạt gia đình như các loại rau, củ, quả, thức ăn thừa,… Ngoài việc làm thức ăn cho gà, vịt, sâu canxi còn là thức ăn cho cá.

Hơn 20 ngày chăn nuôi, trứng sâu canxi thành nhộng và có thể xuất bán với giá trung bình từ 25 - 30 ngàn đồng/kg. Với 0,5 gram trứng giống, anh thu hoạch được hơn 80 kg nhộng sâu canxi. Sau khi nuôi thành công, anh được Dự án tiếp tục hỗ trợ trứng sâu để nuôi đợt 2 và đã thành công.

Không dừng lại ở đây, sau khi nuôi thành công trứng thành sâu canxi, xuất bán ra thị trường, anh giữ lại một số sâu để nuôi thành ruồi lính đen, rồi cho chúng phối giống để đẻ trứng, tạo nguồn trứng giống. Anh An cho biết “sâu khi nuôi đến 22 ngày sẽ thành ruồi sau 5 ngày chúng đẻ trứng. Sau 3 giờ đẻ trứng, ruồi sẽ chết. Khi ấy, xác ruồi và phân của chúng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Để nuôi sâu có hiệu quả thì khi cho ăn, tôi phải trộn thức ăn cho đều để chúng đều ăn đầy đủ thức ăn và phát triển đều, phát triển tốt. Khi muốn nuôi thành rồi thì phải cho ăn nhiều. Đối với việc đẻ trứng thì khi nuôi sâu đến lúc đen thì tôi cho chúng vào ụ cho chúng thành kén, khi kén lại thì mới thành rồi. Khi thành kén thì để vào một nơi và cho những đồ thúi, những thanh tre vào trong đó như vậy chúng mới vào và đẻ được”.

Cho sâu đẻ trứng thành công, anh bán trứng giống cho nông dân ở địa phương, đồng thời hướng dẫn kinh nghiệp nuôi và được Hội nông dân xã Phú Lễ thành lập tổ hợp tác nuôi sâu canxi với 10 thành viên.

Theo đánh giá của Hội Nông dân xã Phú Lễ cho biết: “Có thể nói, nuôi sâu canxi của ông Phạm Văn An là mô hình mới ở địa phương. Từ niềm đam mê, đeo đuổi và ông đã thành công. Ông đã nuôi trứng sâu thành sâu, thành rồi lính đen và đẻ trứng, tạo được dòng đời của sâu. Mô hình này đã góp phần cải thiện môi trường xung quanh, đồng thời tạo thu nhập cho gia đình. Từ kết quả này, sau khi chúng tôi nhân rộng và thành lập tổ hợp tác nuôi sâu canxi thì ông là tổ trưởng. Từ thành công của ông và với vai trò là tổ trưởng tổ hợp tác, sắp tới, chúng tôi nhân rộng mô hình này cho nông dân, những người yêu thích nuôi sâu caxi để thực hiện, qua đó góp phần cải thiện môi trường, tạo thu nhập cho gia đình, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao”.

Có thể nói, mô hình nuôi sâu canxi của nông dân xã Phú Lễ không những mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn góp phần trong công tác bảo vệ môi trường. Mô hình này được Hội Nông dân ở Phú Lễ tiếp tục nhân rộng góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng theo hướng hữu cơ hiệu quả. 

Bùi Văn Việt, ĐUV, CT Hội Nông dân